Giáo dục đại học các nước ASEAN: cần chuyển từ 'hỗ trợ' sang 'hợp tác'

 

Theo số liệu thống kê năm 2023 có khoảng 100.000 sinh viên Đông Nam Á đang lưu học tại Hàn Quốc, trong đó sinh viên Việt Nam chiếm số lượng lớn nhất, khoảng 70.000 người.

Bên lề diễn đàn quốc tế về chính sách công “Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Hàn Quốc và ASEAN vì sự phát triển chung trong tương lai” (Strengthening the Comprehensive Strategic Partnership between Korea and ASEAN for a Shared Future Development), GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, để giáo dục đại học các nước ASEAN phát triển sang tầm cao mới, phải thay đổi bản chất của hoạt động này từ “hỗ trợ” sang “hợp tác”.

Đạt nhiều kết quả nhưng cũng còn những bất cập

Các quốc gia Đông Nam Á chung quan điểm đề cao giáo dục, thể hiện qua việc hình thành những chương trình chung của khu vực để hỗ trợ giáo dục và đào tạo phát triển. Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á (SEAMEO) được thành lập từ năm 1965 có thể là một minh chứng rõ rệt cho vấn đề này. Sau đó, đến năm 1995, Mạng lưới Đại học ASEAN (AUN) được thành lập… Cùng với các tổ chức chính thức nói trên, các hoạt động giáo dục và đào tạo cụ thể cũng được triển khai.

Khẳng định những kết quả tốt đẹp đã đạt được trong nhiều thập kỷ hợp tác giáo dục đại học giữa các nước ASEAN và các nước ASEAN với Hàn Quốc, GS. Hoàng Anh Tuấn nhắc đến sự chủ động và tích cực của các trường đại học trong việc xây dựng các chương trình đào tạo chung, tăng cường ngôn ngữ quốc tế trong giảng dạy, điều chỉnh các chương trình đào tạo đã có theo hướng liên thông sâu hơn để sinh viên có thể học chéo và được công nhận tín chỉ, thực tập quốc tế…

Tuy nhiên, giáo dục đại học trong cộng đồng ASEAN vẫn còn không ít bất cập. “Sự tồn tại một số hệ thống tín chỉ khác nhau giữa các đại học ASEAN thực sự là điều đáng tiếc vì nó cản trở sinh viên trong việc lưu học và công nhận tín chỉ; hệ thống tính điểm cũng còn những khác biệt; lịch trình học tập khác biệt giữa một số quốc gia cũng là những rào cản… Đây là những bất cập hoàn toàn không đáng có, có thể điều chỉnh để thúc đẩy hợp tác đại học trong ASEAN phát triển mạnh hơn” – Ông Tuấn chia sẻ.

Hợp tác giáo dục đại học ASEAN – Hàn Quốc tăng trưởng mạnh

Nhìn lại lịch sử, GS. Hoàng Anh Tuấn cho rằng, Hàn Quốc có tầm nhìn sớm và chủ động trong hợp tác với các quốc gia ASEAN khi thiết lập quan hệ chính thức từ năm 1995. Trong 30 năm qua, cùng với những kết quả trên mọi lĩnh vực, kết quả hợp tác giáo dục đại học ASEAN – Hàn Quốc cũng tăng trưởng tốt đẹp. Theo số liệu thống kê năm 2023, khoảng 100.000 sinh viên Đông Nam Á đang lưu học tại Hàn Quốc, trong đó sinh viên Việt Nam chiếm số lượng lớn nhất (khoảng 70.000 người).

Bản thân các tổ chức giáo dục và quỹ tài trợ Hàn Quốc thời gian qua cũng hỗ trợ rất tốt các trường đại học ASEAN, góp phần vào sự phát triển của giáo dục đại học ASEAN nói chung. Riêng với Việt Nam, các quỹ và tổ chức hỗ trợ giáo dục Hàn Quốc cũng có nhiều đóng góp.

Đơn cử, tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN, ngành Hàn Quốc học đã sớm được giảng dạy từ năm 1993, chính thức trở thành ngành đào tạo độc lập từ năm 1995. Nhà trường là một trong những cơ sở giáo dục đại học đào tạo Hàn Quốc học đầu tiên ở Việt Nam. Cùng với ngành đào tạo, 2 tổ chức quan trọng khác là Hiệp hội nghiên cứu Hàn Quốc và Tạp chí Nghiên cứu Hàn Quốc cũng lần lượt ra đời gắn với ngành Hàn Quốc học của Nhà trường. Cả 3 đầu mối này nhận được sự hỗ trợ rất tốt của các tổ chức khoa học – giáo dục Hàn Quốc như Quỹ Giao lưu quốc tế (KF)…

Tiếp đó, năm 2024, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng trở thành đơn vị đồng sáng lập Hiệp hội Nghiên cứu Hàn Quốc ở Đông Nam Á (KoSASA) cùng với Trường Đại học New South Wale (Úc).

Dù vậy, có một thực tế là hợp tác giáo dục đại học giữa Hàn Quốc và ASEAN còn mang nặng tính hỗ trợ thông qua các quỹ khoa học hoặc các chương trình giáo dục, vì thế nghiêng nhiều về khía cạnh đơn phương hơn là song phương hoặc đa phương.

Các trường đại học Hàn Quốc cũng chưa xây dựng nhiều chương trình đào tạo mang tính hợp tác với các trường đại học ASEAN, mà vẫn mang tính trao đổi ngắn hạn và trao đổi tín chỉ đơn lẻ.

Cần sớm chuyển từ “hỗ trợ” sang “hợp tác”

Tính chất “hỗ trợ” thông qua các quỹ hoặc chương trình giáo dục có nhiều đóng góp, nhanh gọn và dễ vận hành. Tuy vậy, nó không đạt được mục tiêu cao nhất là chia sẻ chương trình đào tạo một cách toàn diện, tổng thể và mang tính lâu dài, từ đó thúc đẩy hợp tác giáo dục đại học toàn diện.

Vì vậy, để nâng tầm quan hệ đại học giữa Hàn Quốc và ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng, cần sớm thúc đẩy bản chất “hợp tác song phương” thay vì “giúp đỡ đơn phương” như giai đoạn vừa qua – GS. Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

Dựa trên lợi thế của mỗi bên, cần hướng tới giải pháp có tính chia sẻ chuyên môn toàn diện, bổ trợ cho nhau trong các hoạt động đào tạo. Các trường đại học ASEAN có thể hỗ trợ các cơ sở giáo dục Hàn Quốc trong các lĩnh vực ngôn ngữ, văn hoá, đất nước học… trong khi các trường đại học Hàn Quốc có thể hỗ trợ các trường đại học ASEAN trên các lĩnh vực liên quan đến Hàn Quốc học.

Hợp tác toàn diện và mang tính chia sẻ để cùng phát triển cần được thống nhất và triển khai đồng đều giữa các cơ sở giáo dục đại học Hàn Quốc, Việt Nam và các nước ASEAN.

 

Là đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, ĐHQGHN là cơ sở đào tạo công lập đầu tiên mở ngành tiếng Hàn và Hàn Quốc học từ năm 1993 ngay sau khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Hiện nay, đội ngũ giảng viên, chuyên gia của ĐHQGHN cũng đang tham gia tích cực trong các dự án phổ cập, phát triển về đào tạo nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Trong những năm qua, ĐHQGHN đã có nhiều hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học với các đại học hàng đầu của Hàn Quốc như ĐHQG Seoul, các tập đoàn công nghệ cao như Samsung, LG, Hyundai, SK,…

Tại ĐHQGHN, Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu châu Á – ARC là đơn vị triển khai nhiều hoạt động hợp tác nghiên cứu, hỗ trợ các nhà khoa học trong và ngoài của ĐHQGHN, thực hiện các hoạt động trao đổi học giả, xuất bản các ấn phẩm khoa học công nghệ… hợp tác với Hàn Quốc.

Các tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc cũng dành nhiều chương trình học bổng cho sinh viên ĐHQGHN như: Học bổng Posco, Học bổng tài năng Samsung, Chương trình học bổng nghiên cứu tại Hàn Quốc, Học bổng LG Display, Chương trình học bổng của Quỹ Phát triển châu Á (ADF), Học bổng Pony Chung, Học bổng Lotte, Học bổng của Công ty chứng khoán Hàn Quốc KBSV, Chương trình học bổng sinh viên tình nguyện Hyundai Jump School…

Trước đó, ngày 20/10/2009, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã đến thăm ĐHQGHN và giao lưu với sinh viên, cán bộ giảng dạy của 3 cơ sở giáo dục đại học tham gia đào tạo tiếng Hàn tại Hà Nội là Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN), Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQGHN) và Trường ĐH Hà Nội. Ngày 17/11/2009, Chủ tịch Quốc Hội Hàn Quốc Kim Hyong O và phu nhân thăm ĐHQGHN, giao lưu với cán bộ, giảng viên và sinh viên ĐHQGHN.

Ngày 22/6/2023, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Phu nhân đã thăm ĐHQGHN và giao lưu với các học viên tiếng Hàn Quốc nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống tới Việt Nam từ ngày 22 - 24/6/2023.