Hình mẫu hợp tác giữa "Đại học và địa phương"

 

Ngày 21/4/2011, ĐHQGHN sẽ phối hợp với UBND Tỉnh Hà Giang và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Viettin bank) tổ chức Hội thảo khoa học và Diễn đàn đầu tư "Vì Hà Giang phát triển".

Trước thềm hội thảo, Bản tin ĐHQGHN đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó Giám đốc ĐHQGHN, Trưởng Ban tổ chức hội thảo.

- Giáo sư có thể cho biết ý nghĩa của việc tổ chức Hội thảo khoa học và Diễn đàn đầu tư “Vì Hà Giang phát triển”?Duyên cớ để có sự hợp tác giữa đại học và địa phương?

Trước khi nói đến ý nghĩa cụ thể của việc tổ chức hội thảo khoa học và diễn đàn đầu tư này, tôi muốn nhắc lại sứ mạng đặc biệt của ĐHQGHN và vị trí trọng yếu của tỉnh Hà Giang.

GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐHQGHN

ĐHQGHN có sứ mệnh đi đầu trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và thực hiện các nhiệm vụ quốc gia. Hà Giang là một tỉnh miền núi nằm trong số ít các tỉnh nghèo nhất cả nước. Cái nghèo được thể hiện qua diện tích đất canh tác (chiếm 30 – 40%) còn lại chủ yếu là đá; Thời tiết thì giá lạnh kéo theo các đợt rét kéo dài, đi kèm rét độc, rét hại. Cùng với việc thiếu đất canh tác, Hà Giang đồng thời là địa phương thiếu nước nghiệm trọng. Cuộc sống của người dân còn khó khăn, dân trí còn hạn chế,... Đây là những điểm không thuận lợi mà Hà Giang phải đối mặt trong quá trình phát triển.

Nhưng có một nghịch lý là một tỉnh chồng chất khó khăn như vậy lại phải tiếp tục gồng mình đảm đương một sứ mạng nặng nề. Hà Giang là tỉnh địa đầu của Tổ quốc với đỉnh Lũng Cú, đồng thời là tỉnh có đường biên giới giáp Trung Quốc dài nhất Việt Nam ( với 274km), có 22 dân tộc sinh sống trong đó 36% là dân tộc Mông sống 2 bờ biên giới. Nơi quan yếu này đã từng chứng minh Nhà nước qua các thời kỳ phải quan tâm đến đời sống người dân vùng biên để phát triển đồng thời bảo vệ vững chắc vùng biên cương cực bắc này của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, giao thông ở Hà Giang tuy đã phát triển nhiều hơn trước song vẫn chưa thuận lợi cho phát triển kinh tế. Hạ tầng cơ sở, nguyên liệu, chất đốt còn vô cùng khó khăn,...

Bù lại, Hà Giang là một địa phương được thiên nhiên ban tặng những tặng phẩm hết sức độc đáo và đa phần trong số đó độc đáo đến mức độc nhất. Nếu như đá núi là một khó khăn vô cùng nan giải đối với sản xuất nông nghiệp thì với geopark – công viên đá có giá trị toàn cầu lại là một tặng vật vô giá của thiên nhiên.

Nhiều dân tộc với những truyền thống văn hóa khác nhau cùng chung sống trên một địa bàn thường là không đơn giản cho việc tổ chức xã hội song nhìn từ góc độ văn hóa thì sự đa dạng, phong phú ấy đồng thời là tài nguyên hết sức quí giá. Thời tiết giá lạnh không thuận cho trồng trọt và chăn nuôi song lại thuận lợi cho việc trồng cây đặc sản, cây dược liệu: thảo quả, chè tuyết,... đồng thời có thể khai thác thành khu vực nghỉ dưỡng trong mùa hè nóng nực.

Tuy nhiên, những điều kiện mà Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi mới chỉ tồn tại dưới dạng tiềm năng, chưa được khai thác. Hà Giang cần một chiến lược vừa mang tính đột phá, vừa đảm bảo tính ổn định, bền vững Chiến lược ấy không thể chỉ giải quyết bằng năng lực của tỉnh mà còn cần sự hỗ trợ từ Trung ương. Đây không phải chỉ là bài toán của những người quản lý, những chính trị gia mà còn phải dựa vào nguồn tri thức của những nhà khoa học.

Lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã đến với ĐHQGHN như một địa chỉ tin cậy để có thể gửi gắm nguyện vọng, mong muốn tìm ra những cơ sở khoa học cho sự phát triển vừa mang tính đột phá, vừa mang tính bền vững. Sự gặp gỡ của Tỉnh Hà Giang với ĐHQGHN nơi có sứ mệnh đi đầu bắt nguồn từ những điều như vậy.

ĐHQGHN nhận thấy Hà Giang là nơi lý tưởng cho thực hiện các ý tưởng nghiên cứu tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Sự đa dạng văn hóa mang lại chủ đề thú vị cho các nhà khoa học của ĐHQGHN nhưng trùm lên tất cả là thể hiện trách nhiệm quốc gia của ĐHQGHN đối với việc đem tri thức phát triển một tỉnh nghèo và giàu tiềm năng. Sứ mệnh và năng lực của một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực đã gặp gỡ nhu cầu của tỉnh Hà Giang. Với ý nghĩa đó thì sự hợp tác của ĐHQGHN với Tỉnh Hà Giang sẽ toàn diện và lâu dài.

 

- Sự hợp tác giữa ĐHQGHN và Tỉnh Hà Giang bắt đầu từ việc gì thưa Giáo sư?

Bắt đầu từ việc hai bên phối hợp tổ chức hội thảo khoa học và diễn đàn đầu tư “Vì Hà Giang phát triển”, ngày 21/4/2011. Hội thảo này được Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam hỗ trợ.

ĐHQGHN sẽ cùng với Hà Giang trình bày những ý tưởng, đánh giá về vị thế, điều kiện tự nhiên, tiềm năng và trên cơ sở đó bước đầu đưa ra những dự án tương đối cụ thể.

Việc hợp tác này mang lại lợi ích cho các bên liên quan. Hà Giang cần sự hỗ trợ mang tính liên ngành, liên vùng để xây dựng kế hoạch phát triển tổng thể kinh tế xã hội. Còn ĐHQGHN sẽ có Hà Giang là địa bàn để thực hiện nhiệm vụ đào tạo và đề tài nghiên cứu khoa học. Những vấn đề của Hà Giang từ khai thác Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn đến việc xây dựng các mô hình kinh tế, phát huy các giá trị văn hóa là mảnh đất màu mỡ cho các nhà khoa học ĐHQGHN triển khai nhiều đề tài, dự án, ý tưởng.

Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực ở các lĩnh vực, cấp độ cho Hà Giang lớn cũng là một trong những hoạt động cụ thể với ĐHQGHN mang lại hiệu quả kép cho các bên liên quan.

Đoàn công tác của ĐHQGHN do GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc dẫn đầu cùng lãnh đạo tỉnh Hà Giang thị sát tại Dinh họ Vương

- Giáo sư cho biết một số thông tin chính của Hội thảo khoa học và Diễn đàn đầu tư “Vì Hà Giang phát triển”?

“Vì Hà Giang phát triển” gồm phần hội thảo khoa học và diễn đàn đầu tư. Hội thảo gồm hơn 20 báo cáo của đội ngũ khoa học về những giá trị của Hà Giang (bao gồm điều kiện tự nhiên, môi trường xã hội và văn hóa,...); Diễn đàn đầu tư là nơi gặp gỡ của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước đã, đang và sẽ đầu tư vào phát triển kinh tế - xã hội Hà Giang. Các doanh nghiệp đã đầu tư sẽ mang đến những kinh nghiệm và kiến nghị trong khi những doanh nghiệp mới đến lần đầu thì có cơ hội tìm hiểu khả năng đầu tư tại địa phương này. “Vì Hà Giang phát triển” còn là nơi gặp gỡ của các đại biểu trong và ngoài nước có quan tâm đến phát triển Hà Giang.

Tính đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Sự hấp dẫn của hội thảo là sự kiện không thuần túy trao đổi của các vấn đề học thuật mà còn bao gồm cả các vấn đề của thực tiễn Hà Giang. Các đề án phát triển được xây dựng trên các luận chứng khoa học. Ví dụ như việc xây dựng một đề án về phát triển du lịch thì phải thiết kế được một mạng lưới du lịch một cách hợp lý, tối ưu để địa phương có cơ sở đưa ra ý kiến cụ thể; Hay các căn cứ, luận chứng để phát triển hơn nữa các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao như cây chè tuyết, các cây dược liệu và sản xuất hàng hóa có qui mô lớn,... Các báo cáo thể hiện tính liên ngành, liên lĩnh vực cao.

Đặc sắc của hội thảo là với tầm nhìn của ĐHQGHN thì bài toán của Hà Giang không chỉ xoay quanh vấn đề một tỉnh mà mang tính liên vùng. Bài toán du lịch mà chỉ gói lại trong phạm vi tỉnh Hà Giang thì chưa phải là tối ưu. Đội ngũ các nhà khoa học ĐHQGHN tính đến mối quan hệ giữa Hà Giang với Lào Cai, Tuyên Quang và xem xét vấn đề đó một cách toàn điện, liên vùng.

Hội thảo làm rõ hơn những luận chứng khoa học cho việc các cấp, các ngành quan tâm đầu tư cho Hà Giang mà đây là tỉnh nghèo nhưng đồng thời là nơi quan yếu, trọng trấn, địa đầu và đôi khi thậm chí là chuyện “mất – còn” nếu vùng này không trở nên trù phú. Những vấn đề đặt ra đối với Hà Giang như vậy lần đầu tiên được đề cập trong hội thảo này. Hội thảo phân tích tính chất quan yếu, vị thế đặc biệt của Hà Giang trong phát triển có tầm chiến lược của cả nước.

Từ kinh nghiệm gắn với hợp tác của các địa phương nói chung và Hà Giang nói riêng, hướng ưu tiên tập trung phát triển của ĐHQGHN từ nay về sau là:

Trong nghiên cứu khoa học thì ưu tiên việc xây dựng các chương trình đề án chất lượng cao làm ra các sản phẩm quốc tế hoặc được xã hội đánh giá cao, khắc phục dần hạn chế nghiên cứu khoa ít gắn với thực tiễn, không chỉ ra được sản phẩm đầu ra.

Với sứ mệnh của mình, ĐHQGHN phải vươn xa tới những địa phương có vấn đề lớn. Trước đây, ĐHQGHN đã ký kết với tỉnh Quảng Ninh. Đấy cũng là một hợp tác thực hiện sứ mệnh tương tự. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh xác định tỉnh sở hữu một di sản tầm cỡ thế giới và tỉnh thay mặt cả nước đối diện, tiếp xúc, nghênh đón và phục vụ hàng triệu lượt khách quốc tế mỗi năm nên phải tính đến chuyện gìn giữ và bảo vệ Di sản đồng thời thể hiện diện mạo quốc gia, bảo vệ danh dự của nền văn hóa dân tộc. Mỗi quyết sách của tỉnh Quảng Ninh không chỉ có tầm của một tỉnh mà đòi hỏi hàm lượng trí tuệ cao. Mong muốn ấy phù hợp với nhu cầu của ĐHQGHN và Lãnh đạo 2 bên đã cùng ký kết hợp tác.

 

- Giáo sư muốn chia sẻ thêm điều gì nhân sự kiện này?

Qua sự kiện này cho thấy tính đúng đắn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc thành lập và trao cho ĐHQGHN sứ mệnh cao cả với quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đặc biệt. Các vấn đề hóc búa của Hà Giang đặt ra thì chỉ có ĐH đa ngành, đa lĩnh vực có tiềm lực cao và quyền tự chủ cao mới có thể triển khai được.

Mặt khác, thông qua việc ký kết với các tỉnh cho thấy uy tín học thuật và uy tín xã hội của ĐHQGHN ngày càng được nâng cao, phát huy được tiềm lực trong giải quyết các vấn đề khó địa phương.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư.

Tường đá ở Hà Giang vẫn là "ẩn số" thách thức các nhà khoa học

Theo http://news.vnu.edu.vn