ĐHQGHN ban hành Khung hạ tầng ICT đô thị đại học thông minh tại Hòa Lạc phiên bản 1.0
Ngày 8/3/2023, ĐHQGHN đã ban hành quyết định số 688/QĐ-ĐHQGHN về việc ban hành Khung hạ tầng ICT đô thị đại học thông minh tại Hòa Lạc phiên bản 1.0 |
Việc triển khai xây dựng khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tại Hoà Lạc (sau đây gọi là khuôn viên Hoà Lạc) thành đô thị đại học thông minh cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau: Phạm vi, quy mô lớn: diện tích sử dụng đất khoảng 1.113,7 ha, phục vụ cho 60.000 sinh viên, 3.500 học sinh chuyên và 6.550 cán bộ, nhân viên làm việc, học tập và sinh hoạt. Số liệu này chưa bao gồm nhân sự các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và tổ chức ngoài hệ thống tổ chức ĐHQGHN đặt trụ sở tại khuôn viên Hoà Lạc (dự kiến tăng nhanh khi ĐHQGHN trở thành trung tâm văn hoá, đầu mối giao lưu khoa học và văn hoá quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam). Quản lý và phát triển đô thị hiệu quả: nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, năng lượng; hình thành cảnh quan hiện đại, môi trường trong lành, an toàn; cung cấp tiện ích đô thị chất lượng cao, tích hợp đầy đủ thông tin; bảo đảm quy hoạch hợp lý, cân đối và dài hạn; thu hút và tận dụng đầy đủ các nguồn lực phát triển. - Về quản lý quy hoạch đô thị: cho phép kết nối đồng bộ nhiều lĩnh vực trong một không gian đô thị, từ đó tích hợp được đầy đủ thông tin về kết cấu hạ tầng và hoạt động (giảng dạy, học tập, nghiên cứu và sinh hoạt), bảo đảm quy hoạch hợp lý, cân đối và dài hạn. - Về công tác quản trị đô thị: vận hành và giám sát các hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị tự động. Các hệ thống giao thông, môi trường, thu gom rác thải, điện nước đều được quản lý vận hành và giám sát tập trung. Hệ thống giám sát cũng đảm bảo cho khuôn viên an toàn hơn. Ngoài ra cũng cho phép liên kết các hoạt động quản lý hoạt động các tòa nhà, quản lý các loại công trình đồng bộ. - Cung cấp dịch vụ đô thị thông minh với nhiều tiện ích thân thiện, hướng tới người dùng, tạo cảnh quan hiện đại, môi trường trong lành, an toàn, cùng các dịch vụ giao thông, sức khỏe, sinh hoạt, giải trí chất lượng cao. - Cung cấp thông tin hỗ trợ ra quyết định: thu thập thông tin (quá khứ, hiện tại, thời gian thực) thực hiện dự báo dài hạn hơn, toàn diện hơn, độ chính xác cao hơn, đưa ra phương án tối ưu trong thời gian tương đối ngắn và từ đó hỗ trợ ra quyết định một cách hiệu quả hơn, thông minh hơn. Sử dụng công nghệ số: dựa trên thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh, ứng dụng các công nghệ hiện đại, đồng bộ, đảm bảo tính trung lập về công nghệ, có khả năng tương thích với nhiều nền tảng, đảm bảo an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và bảo vệ thông tin cá nhân, đảm bảo sự đồng bộ giữa các giải pháp công nghệ và phi công nghệ. Cần tối ưu hoá cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT- Information & Communications Technologies) dựa trên một khuôn khổ hướng dẫn, quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất, tường minh, bảo đảm khả năng tương tác, hoạt động đồng bộ của các thành phần trong đô thị thông minh cũng như giữa các đô thị thông minh; cho phép thiết lập và sử dụng các chỉ số chính đánh giá về hiệu quả hoạt động cho đô thị thông minh. Cụ thể, Khung hạ tầng ICT đáp ứng các yêu cầu sau: a) Chương trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển đô thị thông minh (tại các Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 ngày 6 tháng 2020 và Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2018) đặt mục tiêu phát triển đô thị thông minh bền vững hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh. b) Chất lượng triển khai đô thị thông minh phụ thuộc vào nhiều yếu tố mang tính chất kỹ thuật với những tồn tại, thách thức sau: các hệ thống kỹ thuật, thiết bị, ứng dụng số triển khai riêng lẻ, độc lập, thiếu liên kết với nhau thành một hệ thống tổng thể; bảo đảm an ninh, trật tự không theo kịp sự mở rộng, phát triển đô thị; thông tin, dữ liệu không được kiểm soát, đánh giá và hỗ trợ công tác quản lý, vận hành đô thị. c) Phát triển đô thị là quá trình liên tục, cần vừa bảo đảm tính tổng thể, kế thừa và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng một Khung hạ tầng ICT làm cơ sở cho đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật và tập hợp các dịch vụ đô thị thông minh kịp thời, chính xác. Khung hạ tầng ICT thể hiện thiết kế tổng thể các thành phần lô-gic và các chức năng của chúng bảo đảm sự đồng bộ trong việc lập kế hoạch, lộ trình thực hiện phát triển đô thị thông minh; tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin; nâng cao khả năng giám sát, đánh giá đầu tư; triển khai ứng dụng số đồng bộ, hạn chế trùng lặp, tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai; khả năng linh hoạt khi xây dựng, triển khai các thành phần, hệ thống ICT theo điều kiện thực tế. Chi tiết quyết định số 688/QĐ-ĐHQGHN tại đây
|
Trung tâm Quản trị Đại học số ĐHQGHN |